1. Những ai đã theo dõi Wenger trong một thời gian dài, đều không có gì bất ngờ với hành động ấy. Huấn luyện viên người Pháp từng rất nhiều lần làm những điều tương tự, với Nasri, với Ashley Cole hay Van Persie. Nhưng rốt cuộc thì giống như “nước đổ đầu vịt” hay thậm chí là “đàn gẩy tai trâu”, kết quả vẫn là những màn la ó thậm tệ. Cổ động viên Arsenal có thể không điên khùng tới mức ném cả một chiếc thủ lợn như các culé, nhưng những tiếng “boo” gần như đã là đặc sản ở Emirates mỗi khi Arsenal tiếp đón Man City, Man Utd hay Chelsea. Quan điểm của Wenger và các cổ động viên Arsenal, xem ra rất khác.
Nhưng vài ngày trước đại chiến ở Emirates, tờ Telegraph xới tung lại câu chuyện về việc Wenger đã từ chối Fabregas như thế nào, và cả việc Mourinho đã quyết định bỏ trận đấu cuối cùng của mùa giải, để gặp “thân mật” Fabregas ra sao.
Nói chung là không có gì mới. Nhưng trong đó, có một chi tiết đáng chú ý. Đó là đã 4 năm, kể từ lúc rời Arsenal, Wenger không nói với Fabregas một câu nào. Cựu thủ quân Arsenal kể rằng anh đã nhiều lần nhắn tin cho Arsene, nhưng ông không đáp. Cần nhớ rằng, Wenger từng được Fabregas coi như “một người cha”, vì những ân tình to lớn mà ông đã giành cho cậu học trò nhỏ.. Bây giờ thì ngay cả một tin nhắn “chúc may mắn” cũng không.
Đến đây, thì có vẻ như hai véc tơ quan điểm của Wenger và các cổ động viên Arsenal lại giao nhau ở một điểm. Và thậm chí, véc tơ quan điểm của Wenger đã đi trước một bước.
2. Kể từ lúc “đứa con lưu lạc” trở về mái nhà xưa, Wenger đã có một thái độ dứt khoát.
Đó có thể không phải là một quan điểm cực đoan tới mức, đã ra đi sẽ không thể quay lại. Bởi nếu thế, trong thỏa thuận với Barcelona đã không có thêm điều khoản được ưu tiên mua lại Cesc. Flamini vẫn trở về, cho dù đã có lúc anh được gọi với cái tên thân mật là…Flamoney.
Cái thái độ mà Wenger đang giữ bây giờ, là thái độ được chui rèn qua những vết dao mà Nasri, Van Persie hay Alex Song đã từng đâm sau “người con Fabregas”, một thái độ lý tính và thực dụng.
Wenger không mua Fabregas, vì đã có Oezil. Wenger không đưa Song trở về, vì đơn giản giờ anh không đủ đẳng cấp, cho dù cầu thủ người Cameroon đã nhiều lần bắn tiếng. Những quyết định của Wenger bây giờ gần như đã không còn yếu tố tình cảm, khác xa với những gì Henry hay chính Fabregas từng được nhận. Mọi thứ bây giờ, với Wenger đã khác.
3. Trên một trong những cây cầu bắc qua sân Emirates, vẫn còn nguyên một lá cờ in hình Fabregas. Hành động ấy khiến rất nhiều cổ động viên Arsenal bức xúc. Và nguyên nhân của việc làm lạ lùng này lại xuất phát từ… Ken Friar.
REDactionGooners, một trong những hội cổ động viên lớn và có ảnh hưởng nhất ở Emirates, đã gọi điện đến Arsenal, và nhận được câu trả lời rằng sở dĩ hình ảnh Fabregas vẫn còn lẩn khuất đâu đó, là bởi vì, tiền vệ người Tây Ban Nha vẫn còn là một trong những cầu thủ mà Ken Friar cực kỳ yêu mến, nên ông quyết định giữ lại hình ảnh của người cựu đội trưởng, trên cây cầu mang tên ông.
Đó là một hành động dũng cảm. Nên nhớ, hồi tháng 7 năm ngoái, sau thương vụ với Chelsea, hình ảnh Fabregas cũng đã biến mất một lần trên chính cây cầu của Ken Friar, do yêu cầu của các cổ động viên. Và không hiểu vì lý do gì, nó tiếp tục được treo lại.
Người ta lý giải rằng có thể vì người đàn ông từng làm việc ở Arsenal trong hơn 60 năm này có mối liên hệ gần gũi với Fabregas, và hiểu rất rõ cậu ta là người thế nào, nên mới làm thế.
Sau ngày Lampard ghi bàn vào lưới Chelsea, Mourinho từng nói đại ý rằng, khi Lampard quyết định đến Man City – một đối thủ trực tiếp, thì ông không còn tin vào gì nữa, những thứ đại lọai như lịch sử hay tình yêu.
“Tôi không tin vào lịch sử. Khi anh ấy quyết định đến Man City, một đối thủ cạnh tranh trực tiếp, câu chuyện tình yêu đã kết thúc”.
Sẽ có nhiều người làm theo những gì Wenger nói. Nhưng cũng có không ít cổ động viên Arsenal chọn thái độ và hành xử theo “kiểu Mourinho” cho riêng mình. Hành động của Ken Friar có thể là một quyết định cao thựợng và tỉnh táo. Nhưng những đám đông ở Emirates, những người thường hành xử theo thói quen và cảm tính cũng có lý của riêng họ. Chẳng phải Wenger cũng đã “từ” Fabregas rồi đó sao.