Liverpool: Linh hồn, niềm tin và hi vọng của tuyển Anh
Nếu bạn là một người hâm mộ Manchester United, cái tít trên thật khó có thể nuốt trôi, tôi biết. Chúng ta đã quen thuộc với việc Quỷ Đỏ đóng vai trò xương sống cho ĐTQG Anh suốt gần 20 năm qua, thậm chí cho tới thời gian khoảng 4-5 năm vừa rồi, khi United xuống sức, Tam Sư vẫn chủ yếu nhìn vào Wayne Rooney – một cái tên quen thuộc tại Old Trafford để hi vọng.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi.
Niềm tin của người Anh phải đặt vào Liverpool
Tôi không đưa ra kết luận trên dựa vào việc có tới năm cầu thủ của Liverpool xuất hiện trong đội hình xuất phát của Anh giao hữu với Đan Mạch đêm qua, cũng không dựa vào việc Steven Gerrard đeo băng đội trưởng, Jordan Henderson mặc áo số 8 “của” Frank Lampard, Daniel Sturridge ghi bàn duy nhất hay Raheem Sterling được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất trận, mà tất cả nằm ở việc Roy Hodgson bất ngờ (mà không hề bất ngờ) sử dụng sơ đồ 4-3-3 cho ĐT Anh.
Việc chuyển sang sơ đồ này, về mặt lý thuyết, là do lời gợi ý mà Brendan Rodgers gửi gắm cho Hodgson:
Ai cũng đã biết những phẩm chất của Stevie, nhưng sẽ tốt cho Roy nếu xem xét anh ấy vào vị trí tiền vệ trụ duy nhất.
Brendan Rodgers, BBC, 12/2/2014.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây khó có thể là lý do vì sao Hodgson thay đổi hệ thống ngay, nhất là khi xét lại cả một năm 2013 ông cục mịch bảo vệ quan điểm về sơ đồ 4-4-2 trước những mũi dùi công kích của giới chuyên môn.
Lật lại vấn đề, có thể dễ dàng nhận ra rằng năm cái tên Gerrard, Sturridge, Sterling, Johnson và Henderson đều có vị trí chắc chắn trong đội hình chính Liverpool. Hiệu quả thi đấu của họ là vô cùng đáng nể. Theo Opta thống kê, nếu chỉ tính riêng các bàn thắng của các cầu thủ quốc tịch Anh thì đây sẽ là BXH Premier League hiện tại:
Rõ ràng việc Hodgson sao chép sơ đồ chiến thuật và sử dụng chính những cá nhân của Liverpool trong đó là có cơ sở. Trên thực tế, trừ Johnson đã gặp khá nhiều chấn thương vụn vặt trong thời gian qua thì cả bốn cái tên còn lại đều đang có những màn trình diễn tốt nhất ở vị trí của họ so với các đồng nghiệp Anh khác.
Cơn đau đầu cho Hodgson
Việc hướng ĐT Anh theo Liverpool, như đã phân tích phía trên, không hề là một sự lựa chọn tồi, nhưng giờ Hodgson sẽ phải đối mặt với một vấn đề: Liệu ông có nên dũng cảm trước những cựu binh?
Xét về mặt lý thuyết, cho tới trước trận thắng Đan Mạch đêm qua, người ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Rooney là hiện tại còn Jack Wilshere là tương lai của Tam Sư. Nhưng sau trận thắng Đan Mạch đêm qua, điều này sẽ cần suy ngẫm lại.
Sturridge chủ yếu xuất hiện ở cánh trái trong hiệp một trận đấu tối qua để nhường vai đá cắm cho Rooney.
Khoan đã, hãy đặt dấu hỏi cho câu trần thuật vừa rồi, bởi tại Liverpool, chúng ta đều đã thấy được rằng việc Sturridge hay Luis Suarez đá cắm/đá cánh đã không còn quan trọng, bởi họ sẽ hoán đổi vị trí cho nhau liên tục.
Rooney chưa làm được việc này, ngược lại Sturridge và Sterling mới là những người hoán đổi vị trí cho nhau đều đặn. Việc Sturridge thường xuyên cắt vào trung lộ để tìm cơ hội ăn bàn vô tình chung đã dẫn đến những màn dẫm chân Rooney. Khác với Suarez – người sẽ luôn chạy chỗ khi Sturridge cầm bóng, Rooney lại thường xuyên đứng yên và… chìa tay xin bóng giữa vòng vây đối thủ. Phải chăng đây là một thói quen, bởi ở Manchester United, cả đội sẽ phải chuyền bóng cho anh?
Không quá khó hiểu khi trong hiệp một, Anh chủ yếu dựa vào khả năng đột phá cá nhân của Sterling để tạo ra nguy hiểm. Dù không phải một chân chuyền loại ưu nhưng anh cũng đã tạo ra tới 4 cơ hội ăn bàn.
Khoan, tôi lại cần các bạn đọc lại hai câu trần thuật phía trên.
Nói một cách dễ hiểu, Sterling chỉ nên có vai trò quấy rối hàng thủ đối phương chứ không thể là nguồn tiếp đạn cho các chân sút khác. Nhìn lại Liverpool, nhiệm vụ này được dành cho Philippe Coutinho, như vậy chiếu lên đội hình Anh đêm qua, Jack Wilshere đáng lẽ đã phải đảm nhận vai trò này. Trên thực tế, anh đã tạo ra 2 cơ hội ăn bàn – nhưng như vậy cũng chỉ ngang với Henderson, cầu thủ có vai trò “động cơ” chứ không phải “nguồn tiếp đạn”. Wilshere chú ý nhiều hơn cho việc rê dắt đột phá và xâm nhập vòng cấm, thay vì cầm bóng để chọc khe, kiến tạo và điều này vẫn chưa phù hợp với hệ thống.
Đáng nói là kể từ hai sự thay đổi người phút thứ 60 của Hodgson (Danny Welbeck vào thay Rooney và Adam Lallana vào thay Wilshere), Anh lại chơi có phần sáng sủa hơn.
Welbeck không chỉ cắm hẳn phía trên như Rooney mà chịu khó hoán đổi sang cánh để Sturridge có cơ hội đóng vai tiền đạo cao nhất nhiều hơn, trong khi Lallana lại rất hiệu quả ở khâu kiến tạo. Trong 30 phút có mặt trên sân, anh đã 3 lần tạo cơ hội ăn bàn cho đồng đội, tức nhiều hơn Wilshere – người thi đấu gấp đôi – một lần. Một trong 3 lần đó chính là pha kiến tạo để Sturridge – người đang cắm trong vòng cấm – lập công.
Không ai có thể nói rằng Welbeck hay hơn Rooney hay Lallana hay hơn Wilshere, nhưng rõ ràng hai ngôi sao của Manchester United và Arsenal cần hòa nhập hơn với lối chơi chung của Tam Sư. Không phải khi nào ĐT Anh cũng có được một hệ thống hiệu quả và phù hợp như ở thời điểm hiện tại và cũng không phải khi nào Hodgson cũng chịu rời bỏ sơ đồ 4-4-2. Đẳng cấp của những ngôi sao là không thể bàn cãi, nhưng họ sẽ cần làm tốt hơn vì tập thể. Dẫu sao, đây mới chỉ là trận giao hữu đầu tiên, họ sẽ cần nhiều thời gian hơn bên nhau.
Dũng Lê
Leave a Reply